ĐÔI DIỀU CẢM NHẬN VỀ CHUYẾN THĂM
ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI
1.
CUỘC HẠNH NGỘ LỊCH SỬ
Năm 1969, Tỉnh
Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ) vinh dự được đón nhận Trường Phổ thông miền
núi số 1 Vĩnh Phú ( gọi tắt là Trường Lào T1) do Đảng, Nhà nước Việt Nam thành
lập để nuôi dạy học sinh Lào từ vỡ lòng đến hết cấp 3 phổ thông, Trường kết
thúc nhiệm vụ vào năm 1984. Từ đó đến nay nhiều lần các Đoàn lưu học sinh
trường Lào T1 đã sang thăm và gặp gỡ các thầy cô giáo, mong muốn được đón các
thầy cô tại đất nước Lào. Thể theo nguyện vọng của nhiều thầy, cô giáo
đã từng công tác tại Trường Lào T1, với niềm khát khao, nỗi nhớ mong được gặp
lại những thế hệ học sinh mà mình đã từng dạy dỗ; bằng sự nhiệt tình, tận tâm
của cô giáo Kiều Đỗ Thủy Hà đã kết nối với Ban liên lạc lưu học sinh Trường Lào
T1. Từ ngày 21 đến 28/10/2017, Đoàn cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường lào T1
gồm 40 người do nhà giáo ưu tú Đặng Vũ Chừng, nguyên Hiệu phó Trường Lào T1 làm trưởng
đoàn đã có chuyến thăm, giao lưu với các cựu học sinh trường T1 tại nước CHDCND
Lào.
Từ 15h đến 21h
ngày 22/10/2017, tại Khách sạn Lanexang thủ đô Viên Chăn đã diễn ra buổi gặp mặt
cảm động giữa thầy Việt - trò Lào. Có khoảng 250 lưu học sinh đến từ mọi miền
đất nước Triệu voi tề tựu về, chờ đón các thầy cô với
những tình cảm nồng ấm. Một cuộc hạnh ngộ lịch sử sau hơn một phần ba thế kỷ
thầy trò gặp nhau mừng vui khôn tả, những kỷ niệm, những cảm xúc của thầy trò
bỗng chợt vỡ òa trong giây phút gặp mặt. Những cái ôm thật chặt, những giọt
nước mắt lăn dài trên má của những đứa con trở về với cha mẹ thứ hai, với gia
đình thứ hai của mình. Các cựu học sinh Lào nay đều đã trưởng thành, nhiều
người đã ở những cương vị cao trong bộ máy Nhà nước Lào hoặc những doanh nhân
thành đạt, khi về đây với các thầy cô Trường Lào T1 thân thương tất cả đều chỉ
như những cô, cậu học sinh bé nhỏ ngày xưa...
Buổi lễ gặp mặt được diễn ra trong không khí trang trọng và
niềm vui khó tả với sự hiện diện của nhiều vị khách quý: Đại sứ đặc mệnh toàn
quyền Việt Nam tại Lào, lãnh đạo Ủy ban hợp tác Lào-Việt, lãnh đạo Hội hữu nghị
Lào-Việt…Những lời phát biểu ấn tượng của Trưởng đại diện lưu học sinh Lào tại
VN, của đại diện thầy cô giáo, của Đại sứ và Trưởng Ban liên lạc lưu học sinh
trường Lào T1 đã nói lên nghĩa tình sâu nặng thầy Việt trò Lào và khẳng định tình
thương yêu, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt –Lào. Tiếp theo là Lễ
cầu phúc buộc chỉ cổ tay, một nét văn hóa đặc sắc của Lào dành cho các khách quý
và thầy cô giáo, thật ấm cúng và trang nghiêm. Thầy trò cùng dự tiệc, cùng giao
lưu văn nghệ với nhiều bài ca bằng tiếng Việt, tiếng Lào; những điệu Lăm vông
đằm thắm giữa thầy và trò tạo nên không khí buổi lễ sôi động, ấn tượng thắm
tình hữu nghị hai nước Việt- Lào anh em.
2. NHỮNG DI SẢN VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO
Trong suốt hành trình của Đoàn, nhiều cựu học sinh tiếp
tục tới đón, cùng tham dự giới thiệu các di sản văn hóa đặc sắc, những công
trình kiến trúc kỳ vĩ, những cảnh quan thiên nhiên sơn kỳ thủy tú của đất nước
Chăm Pa. Tại thủ đô Viên Chăn, đoàn thăm Thạp Luổng một công trình kiến trúc
được công nhận di sản văn hóa của nhân loại, là Tháp xá lị Phật lớn nhất, đẹp
nhất và là một trong những biểu tượng đặc sắc của đất nước Lào; thăm Khải hoàn
môn Patuxay một công trình kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc nổi tiếng của Lào;
Đoàn đi lễ chùa Mẹ Si mương một ngôi chùa linh thiêng nhất của đất nước Lào. Đoàn
được du thuyền trên hồ thủy điện Nậm Ngừm nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình được
ví như Hạ Long của Việt Nam…
Trên hành trình từ Thủ đô Viên Chăn đi Cố đô Luông pha
bang, Đoàn thăm công viên Bãi Phật nơi đây có vườn tượng Phật với gần 200 bức
tượng khổng lồ. Thăm quan và nghỉ đêm tại Thị trấn Văng Viêng, một địa điểm du
lịch bên dòng sông Nậm Soong thơ mộng với cảnh trí mây nước, đất trời, cỏ cây
hoa lá say đắm lòng người; Đoàn dừng chân nghỉ trưa tại đỉnh đèo của núi Phu
phiêng phạ, nơi núi cao bằng trời được mệnh danh là nóc nhà của nước Lào ở độ
cao hơn 2000m…
Đến phố cổ Luông
pha bang đất cố đô xưa, nơi được công nhận di sản văn hóa thế giới, Đoàn đến
thăm quan Hoàng cung nơi làm việc của Quốc Vương Lào ngày xưa, thăm chùa Xiêng Thoong
cổ kính nhất và đẹp nhất cố đô; thưởng ngoạn cảnh đẹp kỳ vĩ của thác Kuang Si
cao gần 100m, cùng leo lên đỉnh núi Phou Si để ngắm hoàng hôn mờ ảo trên sông
Mê Công tại đất cố đô. Một số thầy cô giáo thức dậy từ 5h sáng để tham gia vào
Lễ khất thực của các nhà tu hành, một nét văn hóa Phật giáo Lào.
Tại các điểm tham quan, cảm nhận rằng đất nước Lào được
thiên nhiên ưu đãi với những cảnh quan tuyệt vời và được bàn tay tài hoa của
con người xây dựng, để trở thành những công trình nghệ thuật tuyệt mỹ xứng đáng
là những kỳ quan nổi tiếng của nhân loại, vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc
của đất nước Triệu voi xinh đẹp.
3. THẮM MÃI TÌNH THẦY TRÒ
Ấn tượng đầu tiên với đoàn là các em cựu
học sinh đón các thầy cô giáo với những bó hoa tươi thắm, những tình cảm nồng
ấm, sâu sắc đặc biệt của thầy Việt trò Lào tại sân bay quốc tế Viên Chăn; Đoàn
được mời về khu biệt thự và dự tiệc chiêu đãi tại nhà cựu học sinh Mai Lan, một
doanh nhân thành đạt của Lào, người mang hai dòng máu Việt-Lào. Những lời phát
biểu chân tình của cựu học sinh Sổm Phuông, trưởng Ban liên lạc lưu học sinh
trường Lào T1 đã nói lên những tình cảm sâu sắc của tất cả học sinh:
Tạ ơn thầy đã dẫn con vào rừng tri thức
Cảm nghĩa cô đã dắt trò đến biển yêu thương.
Sự đón tiếp chu đáo, nồng ấm của các em
ngay buổi đầu đã khiến các thầy cô trong Đoàn cảm động. Những kỷ niệm đẹp ân
tình của các trò còn thể hiện ở sự chu đáo là thiết kế và may các áo sơ mi, chuẩn
bị áo phông, túi xách, tranh thêu, mật ong, cà phê… dành tặng các thầy cô giáo.
Trong suốt hành trình của đoàn các em trong Ban liên lạc như: Khăm pheng, Sổm
Phuông, Sổm Phăn, Mai Lan, Phonsavat cùng đồng hành với các thầy cô, cùng hát
múa, cùng nghe thơ, cùng chụp ảnh, cùng chăm sóc thầy cô bị mệt, đặc biệt có cô
học trò còn theo suốt Đoàn trong hành trình, gắng tiễn thầy cô ra sân bay Luông
pha bang, chờ đoàn lên máy bay rồi mới quay về Viên Chăn ngay trong đêm để mai
còn kịp làm việc.
Hành
trình của đoàn đã thành công, ước mơ của thầy cô và các em đã được thực hiện,
bao nhiêu cảm xúc những kỷ niệm đẹp lại lắng đọng và lưu giữ trong mỗi người. Những
tình cảm sâu lắng, thiêng liêng, quý giá không thể diễn tả nổi. Đúng là niềm
khát khao, nỗi nhớ mong để có ngày gặp mặt của thầy và trò đã làm nên thành
công cho buổi gặp lịch sử này. Chính các em cựu học sinh Lào là niềm tự hào cho
cuộc đời làm người lái đò đưa khách qua sông của các thầy cô giáo, các em đã tô
thắm thêm tình hữu nghị Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Chúng
ta nguyện mãi mãi bên nhau và giúp nhau suốt đời. Cùng xây dựng hai đất nước,
hai dân tộc luôn phát triển và đồng hành theo chiều dài lịch sử.
Cảm động trước những tình cảm mà các cựu
học sinh Lào dành cho các thầy cô trong Đoàn, cô giáo Nguyễn Thị Chính chia sẻ
những vần thơ trên trang Facebook của mình thay lời cho các thầy cô giáo Trường
lào T1:
Rõ ràng thật tưởng như mơ
Cô trò gặp gỡ vẫn ngờ chiêm bao
Về rồi lòng vẫn dạt dào
Các em mãi mãi đi vào tim tôi.
Tạm biệt đất nước Triệu voi! Cuộc gặp lịch sử, cuộc hạnh
ngộ sau hơn 1/3 thế kỷ này sẽ còn đọng mãi trong ký ức của các thầy cô giáo
Việt Nam về các cựu học sinh thân yêu!. Xin cảm ơn và trân trọng mang theo tình
cảm của tất cả các em – Những công dân của đất nước Lào, những đứa con của hai
bà mẹ Việt- Lào đã và đang vun đắp mối tình hữu nghị bền vững, sắt son giữa hai
dân tộc như lời Bác Hồ đã dạy:
Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
Cảm ơn các cựu học sinh Lào yêu quý thân thương, cảm
ơn các thầy cô trong Đoàn, chúc tình Thầy,
Trò luôn thắm mãi, hẹn gặp lại các em trên đất nước Việt Nam!
Vĩnh Yên ngày 14-10-2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét