Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

BÀI PHÁT BIỂU TẠI LÀO

BÀI PHÁT BIỂU GẶP MẶT CÁC CỰU HỌC SINH
TRƯỜNG LÀO T1- VĨNH PHÚ

Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng- núi liền núi, sông liền sông; đặc biệt và cao cả hơn là sự thủy chung, gắn bó bền chặt trong suốt chiều dài dựng nước, giữ nước từ nguyên thủy tới nay. Ý thức được tầm quan trọng của sự đoàn kết gắn bó, vì sự tồn vinh của mỗi quốc gia, dân tộc, mà mối tình đoàn kết hữu nghị này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xu Pha Nu Vông và tổng bí thư Cay Xỏm xây dựng và phát triển; được hai Đảng, hai Nhà nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào giữ gìn và phát triển thêm sâu sắc; trở thành tình cảm thiêng liêng, gắn bó thủy chung, quan hệ đặc biệt của hai Quốc gia, Dân tộc. Vì vậy việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cho một bộ phận con em các bộ tộc Lào, cho một bộ phận cán bộ của CHDCND Lào được tin cậy, gửi gắm tại Việt Nam từ rất sớm.
Trường Hữu nghị T78- nuôi dưỡng, giáo dục học sinh Lào tại Việt nam được thành lập từ năm 1959. Tháng 5 năm 1969 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra gay gắt, ác liệt, đáp ứng đề nghị của Đảng và Mặt trận yêu nước Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định cho thành lập 4 trường phổ thông hữu nghị trên miền Bắc chuyên tiếp nhận, nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo con em các bộ tộc Lào (Trường T1 ở Vĩnh Phú, T2 ở Bắc Giang, T3 và T4 ở Thanh Hóa).
 Tỉnh Phú Thọ ngày nay (khi ấy là Vĩnh Phú) vinh dự được Đảng và Chính phủ Việt nam giao trách nhiệm thành lập trường Phổ thông miền núi số 1 (còn gọi là Trường T1 hay Trường Lào). Ban đầu Trường đóng tại huyện Thanh Sơn, sau đó chuyển ra Đào Xá (Thanh Thủy) và đến năm 1977 trường chuyển về cây số 7, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ. Từ năm 1969 Trường T1 đã tiếp nhận 1969 cháu nhỏ của Lào gửi học từ vỡ lòng rồi tiếp tục học lên các cấp học. Trong 15 năm (1969-1984), trường đã tiếp nhận đào tạo 3.784 học sinh từ cấp I, cấp II đến hết cấp III (trong đó từ năm 1977 đến 1984 có 1.778 học sinh theo học cấp III- cấp THPT ngày nay). Khi trường Lào T1 từ Thanh Thủy về Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, Trường chỉ còn nhiệm vụ đào tạo chương trình phổ thông cấp 3; Đầu năm 1977 nhà trường có khoảng 300 CB,GV,NV. Hiệu trưởng là thầy Trần Văn Mùi, hiệu phó gồm các thầy Đặng Vũ Chừng, Nguyễn Văn Kỷ, Cao Xuân Thìn và thầy Khăm Cài.
Thời kỳ học sinh Lào ở trường T1- Phú thọ (1969- 1984) là thời kỳ Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cả nước tập trung giải phóng Miền nam thống nhất đất nước. Sau giải phóng miền Nam vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế thì lại xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc; do đó kinh tế đất nước chậm phát triển, đời sống nhân dân rất khó khăn. Mặc dù vậy Đảng và Nhà nước Việt Nam trực tiếp là đội ngũ CB,GV,NV trường Lào T1 vẫn rất cố gắng để chăm sóc cho các học sinh Lào như chính con em của mình, đảm bảo cơ sở vật chất và lương thực, thực phẩm để các em đủ no và đủ ấm; được chăm sóc và quan tâm như đang ở tại quê hương của mình.
Tuy vậy, nhưng các em vẫn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt (như điện, nước, đồ dùng thường ngày còn thiếu thốn, còn nhiều bất cập về chế độ ăn nghỉ…v.v…); đặc biệt là nhu cầu tình cảm vì xa cha mẹ ở lứa tuổi còn nhỏ.  Cũng thật may là chính các em đã rất nghị lực vượt qua tất cả những khó khăn kể trên. Tất cả đều tốt nghiệp phổ thông, nhiều em học giỏi, nhiều em thi đạt giải tỉnh, giải quốc gia trong một số kỳ thi. Phong trào thể thao, văn nghệ sôi nổi đạt nhiều giải cao cấp tỉnh. Đó là động lực giúp cho các CB,GV,NV thấy yên lòng; yên tâm gắn bó với các em, bớt những lo lắng và tiếp tục cố gắng vượt mọi khó khăn để chăm sóc, dạy dỗ các em được tốt hơn với tình yêu thương, tinh thần quốc tế cao cả. Và cả hai phía đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Kể từ ngày những lưu học sinh Lào cuối cùng rời trường, đã có nhiều đoàn cựu học sinh Trường Lào T1 về thăm các thầy cô năm xưa; chứng tỏ nghĩa tình quý báu của cựu học sinh Lào đối với trường, với con người và mảnh đất Phú Thọ, với Việt nam thân yêu.
Trên mảnh Phú Thọ thân yêu, lớp lớp học sinh con em các bộ tộc Lào đã được nuôi dưỡng, giáo dục, lớn lên, trưởng thành, lần lượt trở về nước tiếp tục học tập hoặc tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có trên 300 em đã được gửi ra nước ngoài theo học tại các trường Đại học tại: Liên Xô (cũ), Ba Lan, Hunggary, Bungary, Tiệp Khắc, Đức, Mông Cổ…
   Từ mái trường Phổ thông miền núi số 1 – Vĩnh Phú, nhiều thế hệ lưu học sinh Lào trở về quê hương, tiếp tục phấn đấu trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ Trung ương, các bộ ngành đến địa phương, trong nhiều lĩnh vực. Nhiều em đang là các Doanh nhân thành đạt.
 Các thế hệ cựu học sinh Lào đã, đang phục vụ tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước Lào và cùng xây đắp nên tình đoàn kết hữu nghị keo sơn, gắn bó thủy chung, son sắt giữa hai nước Việt - Lào. Điển hình là các cựu học sinh sau: Khăm Phăn  Phởi Nha Vông, Ủy viên Trung Ương Đảng, Tỉnh trưởng Tỉnh Bò Kẹo; Búp Phả Khên Vông Đa La, Thứ trưởng, phó chủ nhiệm Văn phòng Cơ quan Phủ Thủ tướng (Văn Phòng Chính Phủ); Sẻng Phết Hung Bun Nhuông, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao; Khăm Pao, Phó tỉnh trưởng Tỉnh Xiêng Khoảng; Khăm Phởi Kéo KinnaLi, Phó trưởng ban Hợp tác Lào-Việt Nam (Ngang Thứ trưởng); Khăm Sao Cay Sông, Phó tổng thư ký Quốc hội (Ngang Thứ trưởng).
Với những thành tích đạt được trong công tác nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo, Trường Phổ thông miền núi số 1 - Vĩnh Phú đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1977; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1981 và được nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do hạng Nhất năm 1981; Huân chương Tự do hạng Nhì năm 1984; và nhiều Huân, huy chương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB, GV, NV) của Trường.
Đã 15 năm trôi qua kể từ khi lớp lưu học sinh Lào cuối cùng rời khỏi trường (tháng 7/1984), Trường Phổ thông miền núi số 1 - Vĩnh Phú đã kết thúc nhiệm vụ quốc tế của mình, nhưng nhân dân Phú Thọ vẫn nhắc tới “trường Lào” và những người bạn học sinh Lào từng có một thời học tập, chung sống nơi đây. Trường là niềm tự hào và nơi kết nối tình đoàn kết hữu nghị sắt son Việt - Lào trên quê hương đất Tổ - Hùng Vương.
Sau năm 1984, khi kết thúc nhiệm vụ quốc tế, các cán bộ và thầy cô của Trường Lào T1 được chuyển về các cơ quan, trường học nơi quê hương của mình ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam…hoặc chuyển ngành nghề khác. Tất cả đều cố gắng vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống và xã hội. Trong đó có nhiều CB, GV trưởng thành là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị của cơ quan Đảng Nhà nước ở địa phương và trung ương. Đó là sự khẳng định về uy tín và vai trò rèn luyện đào tạo đội ngũ của trường Lào T1. Có thể kể tên vài cá nhân tiêu biểu là: Thầy Đặng Vũ Chừng, Hiệu phó trường T1, sau là nhà giáo ưu tú, Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương, một trường đào tạo học sinh năng khiếu có tiếng của tỉnh Vĩnh Phú và Việt Nam; thầy Phạm Văn Hoặc cán bộ quản lý học sinh của trường T1, sau là Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh phú, Vĩnh Phúc; Cô Dương Thị Tuyến giáo viên toán , sau là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; cô Kiều Đỗ Thủy Hà giáo viên Anh văn, nay là Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ SEDA thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; thầy Chung Văn Vinh giáo viên toán, nay là  Thượng tá quân đội- Giám đốc Trung tâm thuộc Tổng công ty kinh tế kỹ thuật, Bộ Quốc phòng; và nhiều sự trưởng thành của các thầy cô giáo khác.
Kể từ khi Trường Lào T1 kết thúc nhiệm vụ tới nay đã 33 năm  (1984-2017) đó là thời gian thực sự đáng kể đối với đời người; nhiều thăng trầm biến cố đã xẩy ra, tuy vậy tình cảm và những kỷ niệm còn lưu đọng sâu sắc trong các CB, GV, NV đã từng công tác tại trường. Duyên lại gặp nhau, các CB, GV trường Lào T1 đã bàn bạc và quyết định tổ chức một chuyến tham quan sang Lào vừa để thăm đất nước mà mình đã vinh dự thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả vừa có cơ hội gặp gỡ lại những cựu học sinh thân yêu mà mình đã dạy dỗ, hướng dẫn và chứng kiến sự trưởng thành của các em. Do điều kiện cụ thể của mỗi người, nên số thành viên tham gia đoàn được 40 người, dù chưa đầy đủ nhưng chúng ta gặp được nhau thế này là quý lắm rồi- hạnh phúc lắm rồi.
Chúng tôi rất cảm động trước sự đón tiếp và tình cảm mà các em dành cho Đoàn từ khâu chuẩn bị, kết nối để có được chuyến đi và buổi gặp mặt hôm nay. Đặc biệt là sự hiện diện và rất chu đáo của các cựu học sinh có mặt tại buổi gặp mặt này. Rất trân trọng tình cảm mà các em dành cho đất nước Việt Nam. Rất vui, hạnh phúc và thành tâm chúc mừng sự thành công cùng những đóng góp của các em cho sự phát triển của nước CHDCND Lào và tình hữu nghị của hai quốc gia Việt- Lào.
 Xin có lời thăm hỏi tới gia đình của các em, của các cựu học sinh trường Lào T1 chưa có điều kiện để gặp mặt tại đây.
Xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn của Đại sứ quán Việt Nam tại CHDCND Lào;
Trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quí báu của Công ty PT Sole Company Limited - nhà tài trợ chính cho Đoàn để hoàn thành được hành trình hữu nghị và lịch sử này.
Chúc sức khỏe, thành công, hạnh phúc và  hữu nghị.
Xin trân trọng cảm ơn!